Lương y trẻ 31 lần hiến máu

Không chỉ là thủ lĩnh Đoàn năng nổ, anh còn là người thầy thuốc tích cực tham gia, vận động, tổ chức các đợt hiến máu.

Tháng 2 vừa qua, anh là 1 trong 10 thầy thuốc trẻ vinh dự được nhận giải thưởng Đặng Thùy Trâm. Anh là Ths.BS Trần Ngọc Quế, Công tác tại Viện Huyết học - Truyền máu TƯ (HHTM TƯ), người đã 31 lần tự nguyện hiến máu cứu người.

Nghị lực sống từ ngày gian khó

Những ai đã từng tiếp xúc với Ths.BS. Trần Ngọc Quế có lẽ đều ấn tượng với vẻ hóm hỉnh, luôn thường trực nụ cười. Thế nhưng, ít ai biết được, để có thành quả như ngày hôm nay, Ths.BS Quế đã phải trải qua quãng thời gian gian khó vất vả từ khi mới là đứa trẻ. Sinh ra ở vùng quê nghèo Thiệu Phúc (Thiệu Hóa, Thanh Hóa), gia đình nghèo, đông con nên đã sớm hun đúc trong anh nghị lực lớn.

Khi thi đậu vào ĐH Y Hà Nội, để có tiền đóng học phí cho anh, gia đình phải vay mượn khắp nơi. Nhớ lại quãng thời gian gian khó, BS Quế nói: "Khi bố mất, mình bắt đầu đi làm thêm. Thương hoàn cảnh của mình, Trạm Y tế cho dọn nhà vệ sinh nam lấy tiền ăn học. Học xong, 10 - 12 giờ đêm, mình cùng một bạn mới xuống dọn, tháng được mười mấy nghìn để sinh hoạt. Rồi dọn cây cối cho trường, làm gia sư, đi phụ hồ.  

BS Quế đang nhận nguồn máu hiến nhân đạo. Ảnh: P.T

  Đến khi học đại học năm thứ năm, mình vẫn phải đi cạo mía thuê. Lâu nhất là làm dệt len ở phố Cầu Đất (giờ là Bạch Đằng). Họ có 3 ca dệt từ 6 - 2 giờ, 2 giờ - 10 giờ tối và  từ 10 giờ - 2 giờ sáng. Vì đi học nên chủ nhà cho phép dệt một mình từ 10 giờ - 6 giờ sáng. Cứ đi học về mình sang bên đó làm rồi tắm giặt, ngủ bên đó. Nhiều hôm đi học mà chỉ buồn ngủ, đặt người xuống là ngủ".

Có lẽ tuổi thơ không mấy êm đềm dường như lại khiến chàng trai này sống đầy nghị lực, có trách nhiệm hơn đối với xã hội.

Tiên phong vận động hiến máu

Từ ước mơ trở thành một bác sỹ trong sáng về y đức, giỏi về chuyên môn, anh đã nỗ lực học tập rèn luyện hết mình ở mọi lúc, mọi cương vị. Những năm tháng còn đi học tại Đại học Y Hà Nội, khi hiến máu còn là việc rất xa lạ với cộng đồng, Trần Ngọc Quế đã gia nhập nhóm 13 sinh viên tiên phong hiến máu tình nguyện. BS Trần Ngọc Quế khi ấy còn chưa nhận thức hết tầm quan trọng của việc hiến máu nhưng chính lời kêu gọi của GS.TS Đỗ Trung Phấn, Viện trưởng Viện HHTM TƯ, đã truyền cho anh cảm hứng kỳ lạ.

Thế rồi, anh đã cùng 12 người bạn lập nên nhóm "Sinh viên hoạt động nhân đạo" để tuyên truyền thay đổi nhận thức trong cộng đồng về ý nghĩa của việc hiến máu cứu người. Là người vận động, chính anh cũng là người gương mẫu đi đầu tham gia hiến máu. Riêng anh, đến nay đã 31 lần tham gia hiến máu. Anh chia sẻ: "Ngày đầy hiến máu cũng có cảm giác hồi hộp, lo lắng nhưng cảm giác đó nhanh chóng tan biến bởi tâm trạng vui mừng khi thấy những giọt máu quý của mình giữ được mạng sống của nhiều bệnh nhân".

Ngay sau khi ra trường, anh xin về công tác tại Viện HHTM TƯ. Ngay khi về Viện, anh đã đề xuất thành lập tổ vận động hiến máu để duy trì phong trào. Làm nghiên cứu sinh về nhóm máu hiếm từ năm 2007, BS Quế cũng là người đưa ra ý tưởng thành lập CLB những người có nhóm máu hiếm. Đây là nhóm máu rất ít gặp ở Việt Nam với tỷ lệ 10.000 người mới có 1 người mang nhóm máu này. CLB hiện tập trung khoảng 200 thành viên.

Ths.BS Quế chia sẻ, chứng kiến cảnh thai phụ phải đối mặt với sống còn khi chuyển dạ, bệnh nhân tai nạn không có máu truyền dẫn đến tử vọng, các bệnh nhân ung thư, bệnh nhi bị bệnh huyết tán máu không có máu truyền... năm 2007 anh đã đứng ra lập đề án thành lập CLB những người có nhóm máu hiếm.

Dù phải trải qua những chặng đường dài nhiều chông gai và không ít rào cản từ quan niệm xã hội, nhưng chính sự bền bỉ góp nhặt từ  những điều nhỏ bé ấy, những trái tim tình nguyện nhiệt huyết tuổi trẻ như BS Quế đã xây dựng "ngân hàng máu sống" khắc phục tình trạng thiếu máu trầm trọng ở Việt Nam. Giờ đây, Ths.BS Trần Ngọc Quế vừa là Bí thư Đoàn của Viện vừa giữ cương vị Trưởng khoa Tiếp nhận máu. BS.Quế quan niệm: Y đức phải xuất phát từ cái tâm. Không có nghề sang hay hèn mà chỉ có người sang hay hèn trong nghề đó mà thôi. Việc làm tuy nhỏ nhưng hiệu quả lớn cũng tạo nên niềm tin và sự thừa nhận của xã hội.

Phương Thuận