Đi ngoài ra máu, nên tầm soát ung thư

Chủ quan không khám chứng đi tiêu kèm tí máu và đàm nhớt, đến khi thấy đau bụng dữ dội, đến bệnh viện, nhiều bệnh nhân mới tá hỏa vì đã bị ung thư đại trực tràng (ruột già) giai đoạn cuối.

Chị Nguyễn Ngọc Duyên nhà ở quận Phú Nhuận, TP HCM, thường xuyên bị chứng đi tiêu có kèm tí máu. Tưởng bị táo bón gây rách hậu môn, nhưng hơn 3 tháng không thấy khỏi, cô nhân viên văn phòng 33 tuổi đến bệnh viện khám mới biết mình bị ung thư đại tràng. Bệnh nhân qua đời chỉ sau 6 tháng phát hiện vì bệnh đã ở thời kỳ cuối.

Một trường hợp khác, anh Lê Tiến An, 38 tuổi, công nhân may nhà ở huyện Long Thành, Đồng Nai, thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa, tiêu phân lỏng kèm máu tươi và đau bụng khi đi ngoài. Mua thuốc tự điều trị gần một tháng không thấy giảm, đến bệnh viện tại TP HCM khám, các bác sĩ phát hiện ruột già của anh xuất hiện nhiều khối u. Việc chữa trị được tiến hành ngay sau đó, tuy nhiên chưa đến một năm sau khi phát hiện bệnh, anh An tử vong.

Tại khoa Ngoại, Bệnh viện Nhân dân 115, theo Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung, mỗi tháng có hơn10 trường hợp ung thư đại trực tràng, trong đó khoảng 50% ở giai đoạn muộn. Tại các bệnh viện ĐH Y Dược, Chợ Rẫy, Phạm Ngọc Thạch, tỷ lệ này cũng tương tự.

Ung thư đại trực tràng nếu phát hiện sớm có thể chữa lành.
Ung thư đại trực tràng nếu phát hiện sớm có thể chữa lành.

Bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP HCM cho biết, tuy số lượng người mắc bệnh không nhiều bằng ung thư gan, phổi, dạ dày nhưng tại Việt Nam, mỗi năm có đến hơn 3.000 trường hợp được phát hiện ung thư đại trực tràng, trong đó hầu hết là phát hiện ở giai đoạn bệnh đã quá nặng.

Thống kê trong năm 2008 cho thấy gần 1.800 người đã tử vong vì bệnh này. Riêng tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM, lượng bệnh nhân được phát hiện unh thư đại trực tràng ngày càng nhiều hơn.

"Điều đáng nói là loại ung thư này dễ phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm. Song một phần do bệnh diễn tiến âm thầm, một phần do bệnh nhân chủ quan với những triệu chứng nên đến bệnh viện thì bệnh đã ở giai đoạn sau", bác sĩ Thịnh cho biết.

Để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, mỗi người nên đi tầm soát máu ẩn trong phân mỗi năm tối thiểu một lần, soi đại tràng 5 năm một lần và soi toàn bộ khung đại tràng mỗi 10 năm.

Còn theo bác sĩ Tú Dung, nếu người bình thường phát hiện đi cầu ra máu; thấy thay đổi tính chất đi ngoài tức thấy phân lúc lỏng lúc như táo bón lúc có đàm nhớt; hoặc thay đổi thói quen đi ngoài (tức có khi đi liên tục, có khi vài ngày mới đi một lần) thì nên tiến hành nội soi đại tràng để kiểm tra.

Nguyên nhân khiến đi tiêu ra máu có thể do ung thư, cũng có thể do các nguyên nhân khác như viêm đại trực tràng, trĩ, bướu lành. Tuy nhiên dù vì lý do gì thì việc thăm khám để chữa lành luôn là việc cần thiết.

Cũng theo bác sĩ Dung, những trường hợp đặc biệt như người trên 45 tuổi có biểu hiện rối loạn tiêu hóa thường xuyên; người đang ăn uống bình thường bỗng đi tiêu phân sống; bỗng dưng đi tiêu phân dẹt (phân nhỏ hơn bình thường); gia đình có người bị ung thư đại trực tràng, thì phải soi đại tràng ngay vì khả năng mắc ung thư là rất cao.

"Với các phương pháp chữa trị hiện nay, nếu không phát hiện ở giai đoạn muộn, bệnh nhân vẫn có thể sống từ 15 đến 20 năm", bác sĩ Dung nói.

Ngoài việc tầm soát để sớm phát hiện ung thư đại trực tràng, theo các chuyên gia ung bướu, cách tốt nhất vẫn là phòng bệnh.

"Cùng những nghiên cứu đã được thế giới khẳng định, thực tế điều trị tại Việt Nam cho thấy, phần lớn bệnh nhân bị ung thư đại trực tràng đều là những người ăn rất ít loại thức ăn có chất xơ", bác sĩ Thịnh nói.

Theo ông Thịnh, để tránh mắc chứng bệnh nguy hiểm, mọi người nên thay đổi thói quen ăn uống, cụ thể là tăng cường những loại thực phẩm có nhiều chất xơ như rau củ quả, đậu các loại. Hạn chế sử dụng những loại thức ăn có quá nhiều chất béo. Không hút thuốc lá và uống nhiều rượu bia. Ngoài ra, mỗi người nên dành mỗi ngày khoảng 30 phút để tập thể dục và năng vận động.

Thiên Chương